Chống dịch ở khu phố đông người nước ngoài
Thành phố Suwon quê hương ông cách tâm dịch Deagu gần hai giờ tàu tốc hành. Căn hộ và nhà hàng của Kim đều nằm trong khu đô thị Mễ Trì, Nam Từ Liêm - quận có gần 9.300 người Hàn Quốc đang làm việc và sinh sống. Phố Đỗ Đình Thiện và Trần Văn Lai song song nhau dài khoảng một km, còn được gọi là "phố Hàn Quốc" khi có đến hơn 30 nhà hàng, quán cà phê phong cách xứ kim chi.
Gia đình bốn người gồm vợ chồng Kim và hai con hủy các chuyến thăm bạn bè cuối tuần. Người đàn ông 50 tuổi hạn chế tham gia các hoạt động hội nhóm đồng hương. Kim đã ở Việt Nam bốn năm và hai năm qua chưa từng về Hàn Quốc. Khi nghe tin quê nhà bùng nổ dịch bệnh với tốc độ chóng mặt, Kim gọi điện cho người thân, bạn bè mỗi ngày để hỏi thăm tin tức. May mắn là trong số họ chưa ai dính nCoV.
Ở bên này, Kim cũng tự trang bị cho gia đình khẩu trang khi đi ra đường, rửa tay ngay mỗi lúc về nhà. Chung cư ông đang sống để sẵn chai dung dịch, nhắc nhở cư dân sát khuẩn trước khi lên căn hộ. Trong thang máy, bảng nút ấn các tầng được dán màng bọc, chi chít tờ thông báo bằng tiếng Hàn lẫn tiếng Anh. Mỗi lần bước vào thang máy, Kim đọc được sự nghi ngại qua ánh mắt của những người đi chung. Ông kéo cao khẩu trang, nhanh chóng rời đi khi thang mở ra. "Đó là những điều ngoài mong muốn", ông nói.
Chung cư có nhiều người nước ngoài sinh sống dán thông báo bằng nhiều thứ tiếng Anh, Hàn, Trung, Nhật để người ra vào nắm được quy định phòng dịch. Ảnh: Ngọc Thành. |
Cách ông chủ Kim gần 3 km, ông Nguyễn Quang Khánh, thành viên ban quản lý một chung cư cao cấp ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cũng tất bật với "chiến dịch" phòng chống Covid – 19 cho hàng nghìn cư dân. Chung cư nằm trên đường Hoàng Đạo Thúy gồm ba tòa nhà có gần 100 người Hàn Quốc, Nhật Bản đang lưu trú. Phần lớn họ là nhân viên ngoại giao, chủ nhà hàng và quản lý cao cấp của doanh nghiệp.
Một tuần nay, công việc đầu tiên mỗi ngày của ông Khánh là nộp tập phiếu điều tra phục vụ phòng chống dịch cho cảnh sát khu vực phường Trung Hòa. Phiếu được in bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Hàn, Nhật, Trung, gồm những thông tin cơ bản như địa chỉ tạm trú, số điện thoại, quốc tịch, hộ chiếu, đến từ địa phương nào, ngày gần nhất nhập cảnh vào Việt Nam, đã được cư dân ngoại quốc điền đầy đủ thông tin. Công an phường giữ bản photo và ban quản trị tòa nhà giữ bản gốc.
Đầu tháng 2 khi dịch bùng phát ở Vũ Hán , việc điều tra thông tin được ghi chép bằng tay bởi tòa nhà chỉ có hơn chục khách Trung Quốc. Ông Khánh cùng bảo vệ, lễ tân đi gõ cửa từng căn hộ có người Trung Quốc để hỏi về lịch trình di chuyển. 5 khách đi từ vùng dịch đã thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày. Họ không ra khỏi chung cư và gọi đồ ăn mang đến tận phòng. Quá trình cách ly có sự giám sát của chính quyền, bảo vệ thông qua các camera đặt ở hành lang.
Từ đầu tháng 2, ông Hà Kim Thành có thêm một nhiệm vụ mới là kiểm tra thân nhiệt khách ra vào toà nhà, nhắc nhở họ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Việc này được thực hiện nghiêm ngặt hơn gần đây. Trong ca làm việc kéo dài 12 tiếng mỗi ngày, người bảo vệ già tiếp xúc với hơn trăm lượt khách, một nửa là cư dân ngoại quốc. Thông qua cuốn sổ ghi chép, ông nắm rõ họ tên, chứng minh nhân dân, ngày giờ ra, vào, nơi đến và mục đích đến của họ.
"Thân nhiệt từ 37 đến 37,5 độ C là mức cân nhắc, sẽ lưu lại sổ. Cao hơn 37,5 độ C là mức cảnh báo, hạn chế vào. Còn dưới 37 độ C được vào thăm người thân, dạy học, sử dụng dịch vụ bình thường", ông Thành nhắc lại thông tin được tập huấn.
Bốn ngày trước, một lái xe taxi cần lên phòng ở của khách để trợ giúp chuyển đồ. Sau hai lần đo thân nhiệt đều ghi nhận 37,6 độ C, ông Thành kiên quyết từ chối cho vào toà nhà. Vị khách lưu trú trong chung cư phải tự mình xách đồ xuống sảnh. Người bảo vệ chấp nhận bị phàn nàn vì sự bất tiện, nhưng "quy tắc phòng dịch không có ngoại lệ, phải kiên quyết để ngăn ngừa cho cộng đồng".
Ông Hà Kim Thành, bảo vệ chung cư giữ khách ngoại quốc lại để đo thân nhiệt rồi mới cho vào toà nhà. Ảnh: Ngọc Thành. |
Thấy thanh niên ngoại quốc bước vào sảnh của tòa nhà, ông Thành vội giơ tay ra dấu đo thân nhiệt, chỉ dẫn lấy nước sát khuẩn tay và bấm thang máy lên tầng 18. Khi bước ra hành lang, bắt gặp hai phụ nữ trong bộ đồ bảo hộ lao động đang dùng bình xịt phun khử trùng toàn bộ khu vực lối đi và tường nhà. Người thanh niên cúi đầu chào, giơ tay làm dấu "like". Cư dân tòa nhà, nhiều tuần nay đã quen với hình ảnh này.
Ông Thành không phải là người duy nhất của chung cư có thêm nhiệm vụ mới. Tổ vệ sinh 16 nhân viên chia làm hai ca sáng, chiều cũng được tập huấn phun dung dịch khử trùng cho toàn bộ hành lang và dịch vụ biên dịch tường, thang máy của ba tòa nhà, mỗi tuần hai lần.
Hiện toà nhà chưa phát hiện cư dân Hàn Quốc nào đến từ vùng dịch và phải cách ly. Nhưng thi thoảng, ông Khánh vẫn nhận được điện thoại của người Việt Nam thông báo "chồng hàng xóm là người Hàn Quốc mới đi xa về". Kiểm tra thông tin, ông hồi đáp rằng trường hợp đó sang Việt Nam từ ngày mùng 4 Tết (28/1) khi Hàn Quốc chưa bùng phát dịch, qua 14 ngày sức khỏe vẫn bình thường và dặn dò cư dân "hãy yên tâm".
"Người Hàn Quốc ở đây đa số cư trú lâu dài, ít khách vãng lai. Họ hợp tác chứ không có phản ứng gay gắt", ông Khánh nói và cho hay việc kiểm soát thông tin của khách nước ngoài đơn giản bởi họ có hộ chiếu và khai báo nhập cảnh.
Ông mong dịch bệnh qua mau để khách lại lấp đầy các căn hộ trống. Với giá thuê khoảng 1.500 USD/tháng, lượng khách Hàn Quốc có thể chiếm gần trăm căn hộ trong tòa nhà thời điểm không có dịch.
Phun khử trùng trong chung cư có nhiều người nước ngoài sinh sống. Ảnh: Ngọc Thành. |
Cầu Giấy có hơn 5.800 người ngoại quốc đang lưu trú và 50% trong số đó đến từ Hàn Quốc. Trung Hòa là phường tập trung nhiều cư dân Hàn Quốc nhất quận Cầu Giấy, với gần 1.900 người. Công dân thuộc các nước đã ghi nhận dịch Covid-19 như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Italy... khoảng hơn 500 người.
Với quy mô hơn 53.000 dân sinh sống trên 51 tổ dân phố, trách nhiệm tham gia kiểm soát dịch bệnh khiến điện thoại của ông Nguyễn Hải, Phó chủ tịch phường Trung Hòa những ngày này không khi nào tắt.
Ông Hải phải luôn trong trạng thái sẵn sàng nhận điện thoại, để cùng nhân viên y tế xuống nhà dân khi có phản ánh về những tình huống bất thường. Trong tuần, lực lượng y tế, công an và cán bộ ủy ban chia thành các tổ đi rà soát tình hình người nước ngoài cư trú, tinh thần là "không bỏ sót một thông tin nào". Hiện phường ghi nhận 53 người thuộc diện phải theo dõi sức khoẻ tại nhà do nhập cảnh từ Hàn Quốc hoặc từng đi qua Hàn Quốc.
Hơn 21h, trên "phố Hàn Quốc" ở khu đô thị Mễ Trì chỉ có vài thanh niên đi chơi đêm về với chiếc khẩu trang che kín mặt. Trong quán của Kim, khách ngồi kín 6 bàn tầng một và bỏ trống tầng hai. Người vợ bê đồ ăn, trong khi ông Kim đứng quầy tính tiền. Quản lý người Việt ở trong bếp nướng thịt. Cửa hàng 25 nhân viên phục vụ cắt giảm chỉ còn 10 người, chia hai ca làm việc. Từ đầu tháng hai, anh chàng quản lý đã phải đăng tin lên vài hội nhóm để hút thêm khách Việt. Ngày hôm qua (28/2), cửa hàng chỉ đón một bàn khách duy nhất, dù mở cửa từ 11h đến 22h đêm.
Dù doanh thu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song Kim dự định vẫn sẽ ở lại Việt Nam duy trì cửa hàng và tránh dịch. Ông không có ý định trở về Hàn Quốc trong thời gian này. "Tôi thấy an toàn khi ở đây", ông không biết người khác nghĩ thế nào, riêng ông cảm nhận cuộc sống vẫn trôi qua bình thường.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có trên 22.000 người Hàn Quốc, 9.000 người Nhật và hơn 2.000 người Trung Quốc sinh sống. Người nước ngoài thường lưu trú tại các chung cư cao cấp, tập trung nhiều nhất ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm.
Tính đến 28/2, thành phố tiếp nhận hơn 2.700 người từ Hàn Quốc về sân bay Nội Bài. Hiện còn 2.023 người đến hoặc đi qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Hà Nội trong 14 ngày đang ở cộng đồng. Trong đó đi từ thành phố Daegu là 33 (21 người Việt và 11 người Hàn), từ khu vực Bắc Gyeongsang là 19 người (11 người Việt và 8 người Hàn).
Thanh Lam - Hoàng Phương
Nhận xét
Đăng nhận xét